Trang tuyển sinh
 Search

Các đội thi UEB Genesis Startup đi tham quan thực tế tại Công ty Gốm Chu Đậu

Các đội thi tham quan xưởng sản xuất gốm Chu Đậu
Ngày 9/7/2016 vừa qua, trong khuôn khổ cuộc thi UEB Genesis Startup, Ban tổ chức cùng 10 đội thi đã có một chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa và thiết thực tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Dẫn đầu đoàn tham quan là TS. Lê Trung Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển, Trưởng ban tổ chức UEB Genesis Startup.

Tại buổi tham quan, các thành viên của 10 đội chơi xuất sắc nhất đã có cơ hội được gặp mặt ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu cùng một số thành viên trong Ban lãnh đạo công ty để được nghe chia sẻ về lịch sử hình thành của gốm Chu Đậu cũng như quá trình phục hưng của công ty sau 400 năm thất lạc.

Mở đầu buổi nói chuyện trong không khí cởi mở, ông Nguyễn Hữu Hiệp đã kể lại quá trình ra đời của gốm Chu Đậu. Theo chia sẻ của ông, Chu Đậu vốn là một làng nghề có từ lâu đời là một xã thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, trong thời kỳ Lý - Trần - Lê - Mạc. Gốm Chu Đậu đã có những bước phát triển rực rỡ, nhanh chóng đưa tên tuổi gốm Việt Nam đi ra thế giới; tuy nhiên sau đó, do thời thế loạn lạc gốm Chu Đậu đã bị thất truyền.

Việc phục hưng gốm Chu Đậu bắt nguồn từ một lá thư Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Makoto Anabuki gửi ông Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh uỷ Hải Hưng  (nay là tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên) năm 1980. Trong thư ông có viết tại một bảo tàng ở thủ đô Istabul Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã phát hiện ra một bình hoa lam cổ, trên thân bình có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, Tượng nhân Bùi Thị Hý bút” tức là “Năm Thái Hòa thứ 8, tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý vẽ”. Cụ Bùi Thị Hy nay được thờ như cụ tổ nghề gốm Chu Đậu tại phía bên trong công ty.

Cùng với đó là việc trục vớt thành công hai chiếc tàu đắm với hơn 40 hiện vật gốm Chu Đậu tại tỉnh Quảng Nam đã thôi thúc người con Hải Dương - ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc công ty, khi ấy cũng là Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã quyết định phục hưng nền gốm cổ.

Cuối cùng, ông Nguyễn Hữu Hiệp nhấn mạnh với các bạn sinh viên: “Khi bắt đầu khởi nghiệp phải có niềm tự hào, lòng đam mê với khởi nghiệp và phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Khởi nghiệp là thương hiệu, uy tín; nếu để mất thương hiệu, uy tín thì sẽ không bao giờ thành công”.


TS. Lê Trung Thành tặng lãnh đạo Công ty áo đồng phục của UEB Genesis Startup


Sau chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Hiệp, TS. Lê Trung Thành thay mặt Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của Ban lãnh đạo Công ty Gốm Chu Đậu, đồng thời khẳng định: “Trường Đại học Kinh tế cũng như các trường khối kinh tế khác trong cả nước đều coi khởi nghiệp như là tinh thần chung. Tuy nhiên các sinh viên khi lần đầu đến với khởi nghiệp đa số còn thiếu kinh nghiệm. Vì vậy những chuyến đi thực tế này rất quý giá, giúp sinh viên có thêm những kinh nghiệm quý báu trên con đường khởi nghiệp của mình”. 

Sau khi tìm hiểu về lịch sử hình thành và quá trình phát triển của Công ty, các đội thi đã được tham quan quanh xưởng sản xuất, lò gốm, chứng kiến quy trình sản xuất, chế tạo các sản phẩm gốm xưa và nay.


Ban lãnh đạo Công ty Gốm Chu Đậu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức và các đội thi UEB Genesis Startup


Kết thúc chuyến đi thực tế này, các đội thi sẽ gấp rút hoàn thành bản đề án chi tiết và chuẩn bị cho buổi phản biện sẽ diễn ra vào ngày 15/7 tới. Hy vọng các đội chơi sẽ tự tin, tận dụng tối đa những kiến thức đã tích lũy được từ các buổi hội thảo và buổi tham quan thực tế này để hoàn thiện dự án của mình với mục tiêu lọt vào top 5 dự án khởi nghiệp tốt nhất bước vào chung kết.

Bình Minh (Phòng NCKH&HTPT)

FullName Email
Address Security code MOEACN
Content